14 tháng 12, 2012

Mặt trái cuộc sống sinh viên!


Cuộc sống sinh viên xa nhà, thoải mái tự do, khiến nhiều bạn sinh viên không làm chủ được bản thân mình. Bên cạnh những sinh viên tốt, cố gắng nỗ lực vươn lên trong học tập, thì còn một bộ phận không nhỏ mải mê với những trò chơi vô bổ, những thú vui như cờ bạc, đề đóm, rượu chè….
Game  online thâu đêm, suốt sáng
Một trong những niềm đam mê của sinh viên là “game”. Có thể thấy khu vực xung quanh các trường đại học và cao đẳng luôn “mọc” lên những quán “Internet” hoạt động thâu đêm, suốt sáng. Nhiều sinh viên nghiện game đến mực độ sẵn sàng ăn, ngủ, nghỉ tại quán. Bạn Nguyễn Văn Dương ( sinh viên trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết “mặc dù đi học được gia đình hỗ trợ chiếc laptop nhưng mình vẫn thích ra “quán” hơn, ra đó gặp bạn bè, rồi cùng nhau chơi 1 trận chứ ở nhà thui thủi một mình buồn chả muốn chơi”. Tuy nhiên có không ít những trường hợp bố mẹ gửi tiền trợ cấp lên thì chưa được 1 tuần đã hết tiền với lý do “nướng game”, không chỉ dừng lại có vậy, còn nợ nần, rồi đem cắm điện thoại, máy tính… để chơi game.
Quan sát một số quán game chung quanh khu vực Cầu Giấy thấy đa số phần lớn những người vào quán chơi game là sinh viên, có cả học sinh… Nhiều bạn sinh viên sẵn sàng bỏ tiết, bùng tiết để giải trí với game. Hay một số thì “cày” game quá khuya dẫn đến tình trạng sáng hôm sau đi học trong trạng thái lơ mơ và có khi ngủ luôn chả thiết học hành gì. Cách đây không lâu trên một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin trường hợp “cậu thanh niên 18 tuổi tên Chuang đã đột tử vì chơi game Diablo III suốt 40 tiếng liên tục, không ăn ngủ, tại một tiệm nét ở phía nam Đài Loan”, hay “một thanh niên Thái lan đã chết trước máy tính, sau nhiều ngày ngồi đồng chơi game suốt đêm”. Ở Việt Nam cũng không ít trường hợp bị ngất, đột quỵ vì chơi game, tác hại của game là rất lớn. Có không ít những vụ án cướp, giết do một phần hung thủ bị ảnh hưởng từ những hình ảnh không lành mạnh của game.
Nhậu “vô bờ bến”
Sinh viên phần lớn đến từ các tỉnh thành nên mỗi khi có dịp về quê ai cũng tay sách nách mang đủ thứ “đặc sản” quê mình đến giới thiệu với bạn bè. Mà đặc sản ấy là gì: Xin thưa, đó là “rượu” Kim Sơn – Ninh Bình, là rượu làng Vân – Bắc Ninh, là rượu Bàu Đá – Bình Định, là món rượu ngô đặc sản của bà con vùng cao Tây Bắc… là món mực nướng của vùng biển… Mỗi dịp như thế, mười lăm, mười sáu người, cả nam lẫn nữ tụ tập, ngồi xếp bằng dưới nền nhà, với một chiếc ly nhỏ uống chuyền tay nhau, hay “sang” hơn là uống bằng bát như một số sinh viên đến từ vùng cao.Từ 5h00 chiều đến 11h00 đêm, cả nhóm “cưa” đứt 1 can “đến” 10 lít.
Có thể nói, nhậu là căn bệnh trầm kha của hầu hết sinh viên nói chung. Bất kể vui hay buồn, sinh nhật hay tiệc tùng, hay thậm chí có đứa ban thất tình cũng uống rượu để giải sầu.
iệc nhậu không chỉ diễn ra đối với những sinh viên đi thuê trọ thoải mái, tự do, thậm chí ở một số kí túc xá hiện tượng này được coi là bình thường. Tại kí túc xá của trường Đại học K (khu vực Cầu Giấy), tình trạng sinh viên nhậu nhẹt diễn ra thường xuyên, mặc dù ban quản lý kí túc xá đã kiểm tra khắt khe, tuy nhiên với số lượng sinh viên lớn và số phòng lớn nên không thể quản lý được hết thảy tất cả những sinh viên này. Thầy L – trưởng BQL kí túc xá này cho biết: “ BQL vẫn tổ chức những buổi kiểm tra thường xuyên và bất ngờ các phòng của sinh viên, nhưng một số sinh viên vẫn giấu mang rượu vào và đến đêm đóng cửa tổ chức ăn uống trong yên lặng nên BQL không kiểm soát được”.
Việc nhậu nhẹt không chỉ diễn ra đối với những sinh viên nam mà ngay cả những sinh viên nữ trong kí túc xá cũng tổ chức ăn uống nhậu nhẹt. Đặc biệt một phòng có đến 14 người trong đó phần lớn đền từ Hà Giang, Sơn La, Tuyên Quang.. Ngoài việc nhậu mỗi khi đến sinh nhật của những người trong phòng, các cô còn đặt ra ngày “sinh nhật phòng” để… nhậu. Khi thấy tôi thắc mắc, một cô bạn giải thích: “Tụi tớ cộng tất cả ngày, tháng sinh của 14 đứa rồi chia ra, lấy con số trung bình làm ngày sinh nhật”. Mai Thanh, một thành viên trong phòng bật mí: “Không chỉ nhậu vào dịp sinh nhật, phòng tụi tớ đặt ra một luật lệ là hễ ai có bạn trai thì phải dẫn bạn trai đến ra mắt, rồi phải khao cả phòng một bữa nhậu, một chầu karaoke”. Chả thế mà có cô, đã 6 lần dẫn phòng đi nhậu, đi hát, mà cả 6 anh chàng, ai cũng tưởng mình là mối tình đầu của cô sinh viên nhìn rất dễ thương và duyên dáng này!
Nhưng dẫu sao, nhậu như thế cũng là nhậu “hiền” – nghĩa là say xỉn thì lăn ra ngủ, hoặc cùng lắm là gõ nồi, gõ xoong ca hát nghêu ngao chứ không nhậu “dữ” như một số sinh viên sau khi tổ chức ăn uống no say thì tổ chức đua xe, đánh nhau… Và cũng từ đây mà những vụ tai nạn giao thông xảy ra do tác hại của rượu, chất kích thích khiến chủ xe không làm chủ được phương tiện giao thông và xảy ra tại nạn làm chết người hay bị thương nặng. Có không ít những bạn sinh viên phải gác lại ước mơ của mình vì tai nạn giao thông, không ít người phải sống đời sống thực vật vì một giây phút không làm chủ được chính mình.
Những mối tình “tàu bay”
Sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm lại ở chung với nhau trong một môi trường, một khuôn viên nên giữa các cô cậu sinh viên, đã nảy sinh ra những mối tình rất nên thơ, lãng mạn. Nhiều sinh viên coi tình yêu là động lực thúc đẩy họ thăng tiến hơn trong việc học, là niềm an ủi và cũng là chỗ dựa về mặt tinh thần nhưng cũng có sinh viên, thì tình yêu chỉ là một trò vui cho qua ngày, đoạn tháng. Nhiều sinh viên thay “bồ” như thay áo, và tỏ ra hãnh diện với những “chiến công” của mình.
Bạn Tâm –sinh viên một trường kinh tế trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: “Bạn cùng phòng với mình thường xuyên đưa bạn trai về phòng, về chơi không đã đành họ còn dành cho nhau những cử chỉ âu yếm mà cứ như mình không có ở đó vậy. Nhưng bực tức nhất là bạn ấy còn để ban trai qua đêm ở đó. Mình đã nói với bạn ý rất nhiều lần nhưng vẫn chứng nào tật ấy. Cuối cùng mình không chịu được đành dọn ra ngoài ở với cô bạn khác”.
Không dừng lại ở đó, nhiều sinh viên có tình cảm với nhau đã không ngần ngại góp gạo thổi cơm chung để tiết kiệm chi tiêu. Và những cảnh tượng dở khóc, dở cười diễn ra, từ việc cãi nhau về vấn đề tiền bạc, đến những công việc như cơm nước dọn dẹp… Những mối tình “tàu bay” ấy lắm khi đưa đến hậu quả đau lòng: Nàng đau đớn vào bệnh viện xin nạo thai, còn chàng thì một đi không trở lại…
Đời sống sinh viên thường gặp nhiều thiếu thốn, về cả vật chất lẫn tinh thần nhất là với những sinh viên mà hoàn cảnh gia đình không lấy gì làm khá giả. Rất nhiều sinh viên kiếm thêm tiền ăn học bằng việc đi dạy thêm, bán hàng, tiếp thị, thậm chí rửa chén đĩa cho những nhà hàng, quán ăn… nhưng cũng có một số người cố “bằng anh bằng em” khi thấy bạn mình cưỡi xe máy đi học, điện thoại di động thỉnh thoảng lại tò te tí te. Vậy là chấp nhận làm bồ nhí cho một đại gia nào đó để đổi lấy những tiện nghi vật chất hoặc tham gia vào các đường dây mại dâm để phục vụ cho các quý ông, quý bà thừa tiền, lắm của nhưng thiếu tình.
Thỉnh thoảng, trên các phương tiện thông tin đại chúng, vẫn thấy đăng tải trường hợp sinh viên X, Y, Z nào đó bị bắt vì cướp giật, gái gọi, hoặc trộm cắp. Những mảng tối ấy tuy không nhiều, và chỉ là những trường hợp cá biệt nhưng dẫu sao, nó cũng làm hoen mờ những hình ảnh đẹp của người sinh viên. Có rất nhiều những việc làm nhỏ mà các bạn sinh viên có thể tham gia như;tình nguyện giúp đỡ những em nhỏ mồ côi, tổ chức dạy học cho các em tại những trung tâm bảo trợ xã hội, hay những hành động chung tay vì môi trường xanh sạch đẹp… Những việc làm ấy tuy nhỏ nhưng các bạn cũng đã góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày một đẹp hơn và làm cho hình ảnh của sinh viên Việt Nam đẹp hơn bao giờ hết.

Theo  An Ninh Thủ Đô

0 nhận xét: